“Chiều tối” là một trong những thi phẩm tiêu biểu nhất trong tập “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh, thể hiện vẻ đẹp của tâm hồn người chiến sĩ cách mạng giàu yêu thương và nghị lực phi thường. Trong hành trình bị áp giải đầy gian khổ, Bác vẫn nhìn thấy và ca ngợi những vẻ đẹp giản dị của thiên nhiên, con người, gửi gắm tinh thần lạc quan, niềm tin vào sự sống. Bài viết dưới đây vanmauhay.net sẽ phân tích Chiều tối để làm rõ những giá trị nghệ thuật và tư tưởng sâu sắc ẩn chứa trong những vần thơ dung dị mà vô cùng xúc động ấy.
Bài phân tích Chiều tối hay nhất
“Chiều tối” là bài thơ được sáng tác vào những ngày cuối cùng của hành trình chuyển lao gian khổ. Tác phẩm như một bức tranh vẽ nên cảnh sắc hoàng hôn nơi núi rừng, toát lên nét đẹp ấm áp, tràn đầy sức sống của con người. Qua hình ảnh thiên nhiên gần gũi và sinh động, bài thơ bộc lộ tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của người thi sĩ, lòng nhân ái thiết tha với con người, cùng phong thái ung dung, lạc quan, luôn hướng về ánh sáng và tương lai. Có thể nói, bài thơ là sự giao thoa hài hòa giữa gam màu cổ điển và hơi thở hiện đại.
Cảnh chiều tối từ lâu đã là một đề tài quen thuộc trong thi ca. Buổi chiều tà thường gợi lên trong lòng người những cảm xúc man mác, trầm buồn, vì thế không ít áng thơ kim cổ đã lấy hình ảnh buổi chiều làm nền tảng để bày tỏ tâm sự. Ở những sáng tác xưa, cảnh chiều thường nhuốm màu buồn vắng, đôi khi chan chứa nỗi cô đơn lữ thứ, nhớ quê hương. Trong bài thơ này, Hồ Chí Minh chỉ bằng vài nét chấm phá bằng bút pháp ước lệ tượng trưng đã dựng nên nền trời chiều đầy thi vị:
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không.
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)
“Cánh chim” và “chòm mây” là những hình ảnh đã trở nên quen thuộc khi miêu tả buổi chiều trong văn học xưa. Không chỉ gợi ra không gian, hai hình ảnh này còn chất chứa dòng chảy của thời gian. Cánh chim, lấy từ thế giới mỹ học phương Đông, biểu tượng cho bóng chiều buông xuống: “Phi yến thu lâm”, “Quyện điểu quy lâm” từng xuất hiện trong thơ chữ Hán cổ. Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” cũng điểm tô cảnh chiều bằng hình ảnh “Chim hôm thoi thót về rừng”, Bà Huyện Thanh Quan ghi lại hình ảnh: “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi”, còn Huy Cận cảm nhận cánh chim như đang nghiêng mình thả bóng chiều sa xuống: “Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”. Có vẻ như với tâm thức thi nhân, bóng chiều chỉ thực sự hiện hữu khi thấp thoáng bóng cánh chim mỏi mệt bay về tổ ấm.
Nếu trong thi ca cổ, hình ảnh cánh chim thường gợi cảm giác phiêu bạt, xa vắng, thậm chí nhuốm màu siêu hình:
“Chúng điểu cao phi tận” – Lí Bạch
“Thiên sơn điểu phi tuyệt” – Liễu Tông Nguyên
thì trong “Chiều tối”, Hồ Chí Minh đã mang cánh chim trở về thực tại đầy sức sống:
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ)
Ở đây, cánh chim có phương hướng, có điểm dừng, có đích đến rõ ràng. Cách cảm nhận của Bác là một cách cảm nhận đầy yêu thương: thấu hiểu sự vất vả, mệt nhọc của sinh vật bé nhỏ sau một ngày dài. Qua đó, ta cảm nhận được tấm lòng nhân hậu, một tình yêu đời tha thiết của nhà thơ – chiến sĩ.
Câu thơ tiếp theo cũng đậm nét cổ điển:
Cô vân mạn mạn độ thiên không
(Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)
Hình ảnh chòm mây cô đơn trôi lững lờ trên bầu trời rộng lớn gợi liên tưởng đến nét thanh cao, phiêu diêu trong thơ xưa, gần gũi với câu “Cô vân độc khứ nhàn” của Lí Bạch. Tuy nhiên, khác với vẻ u uất, siêu thoát thường thấy, chòm mây trong bài thơ của Bác chỉ đơn giản là điểm nhấn nhẹ nhàng, góp phần mở rộng không gian của bức tranh thiên nhiên. Trời cao, trong vắt đến mức có thể nhận ra hình ảnh đơn độc ấy — gợi nên sự lẻ loi nơi đất khách quê người, sự cô đơn của người tù nhân giữa núi rừng xa lạ.
Cả hai chi tiết – cánh chim và chòm mây – đều nhuốm màu tâm trạng. Chim tìm chốn ngủ sau một ngày mỏi mệt, còn người tù thì vẫn chưa biết bao giờ mới tới điểm dừng. Mây trôi lẻ loi giữa tầng không, còn người tù thì cô đơn trong bóng chiều buốt giá. Hai câu thơ đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình”, thể hiện tâm hồn nhạy cảm và một nghị lực phi thường – điều ta vẫn gọi là “chất thép” trong thơ Bác.
Nếu như ở hai câu đầu, bức tranh chiều được dựng bằng những nét bút cổ điển làm nền, thì ở hai câu sau, Hồ Chí Minh đã khéo léo đẩy hình ảnh con người vào trung tâm bằng ngôn ngữ hiện đại, giản dị mà đầy sức sống:
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.
(Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết lò than đã rực hồng)
Hình ảnh “xóm núi” giản dị mà ấm áp, biểu trưng cho sự sống bình dị của con người. Ở trung tâm bức tranh là hình ảnh người thiếu nữ trẻ trung, khỏe khoắn, gắn bó với công việc lao động thường ngày. Điều đặc biệt là người thiếu nữ trong thơ Hồ Chí Minh khác xa so với người phụ nữ trong thơ cổ — không phải “liễu yếu đào tơ”, sống ẩn dật trong “phòng khuê”, mà là cô gái lao động tràn đầy sức sống, miệt mài với công việc giản dị.
Không giống như trong các thi phẩm cổ điển, nơi bóng người chiều tà thường lẻ loi, đơn độc, vương nặng nỗi buồn:
“Lom khom dưới núi tều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.”
(Qua Đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan)
hay:
“Gác mái ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.”
(Chiều hôm nhớ nhà – Bà Huyện Thanh Quan)
ở đây, con người trong thơ Bác hiện lên sinh động, tràn trề nhựa sống. Đặc biệt, hình ảnh “lò than rực hồng” ở cuối bài như một điểm sáng ấm áp xua tan không khí hiu hắt của cảnh chiều tối miền sơn cước. Chi tiết “hồng” không chỉ là ánh lửa của bếp than, mà còn là ánh sáng của sự sống, của niềm lạc quan vào tương lai.
Bài thơ khép lại bằng một âm hưởng nồng ấm, vui tươi. Dù đang trong hoàn cảnh gông cùm, gian khổ, nhưng người tù thi sĩ vẫn nhìn thấy và cảm nhận được cái đẹp, cái sinh khí ấm áp trong cuộc đời. Chữ “hồng” kết bài đã làm nên một tiếng reo vui thầm lặng, đầy tin tưởng vào cuộc sống.
“Chiều tối” không chỉ mang vẻ đẹp cổ điển mà còn thấm đẫm tinh thần hiện đại. Bài thơ là sự kết tinh giữa tình yêu thiên nhiên thiết tha, cảm quan nhân đạo sâu sắc và bản lĩnh thép của Hồ Chí Minh. Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp của một tâm hồn lớn: người thi sĩ cách mạng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu con người đến thiết tha, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Xem thêm: